Ám ảnh làng tâm thần ở Hòa Bình

Gần đây, người dân thôn Mu luôn sống trong cảnh lo lắng vì sợ mắc căn bệnh tâm thần. Nhiều người cho rằng, dải đất này bị ma ám, nên thay vì đi bệnh viện chữa trị, họ lại lo cúng bái, làm lễ trừ tà.

Để đến được thôn Mu, xã Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) chúng tôi phải vượt qua nhiều đoạn đường dốc, quanh co. Những ngôi nhà nằm sát bên triền núi, cây cối um tùm càng khiến khung cảnh thêm thâm u, tĩnh lặng.

Dẫn đường tôi là ông Bùi Văn Tiệp, trưởng Công an xã Yên Nghĩa. Chỉ tay vào một thanh niên chừng 22 tuổi, không mặc quần áo đứng cười nói một mình trước hiên nhà, dưới chân là một sợi dây xích, ông Tiệp tâm sự: “Cậu ấy bị tâm thần mấy năm nay rồi. Cứ lên cơn là người nhà lại dùng xích để xích chân lại. Không xích cậu ấy lại bỏ trốn vào rừng, không thì cũng ra đường chặn xe gặp ai là đánh, ném đá. Cái làng này bị tâm thần như cậu ấy nhiều lắm”.

Ám ảnh làng tâm thần ở Hòa Bình - 1

Một góc thôn Mu.

Làng có nhiều người tâm thần

Theo ông Tiệp, thời điểm hiện nay thôn Mu có hơn 20 người bị bệnh tâm thần: “Số người bị tâm thần mấy năm nay cứ ngày một nhiều. Nhiều người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng. Một phần vì người bệnh ngày một tăng, một phần là hậu quả do những người bị bệnh tâm thần mang lại. Có người khi lên cơn tâm thần lại mang dao đuổi người thân nhà mình chạy khắp vườn”, ông Tiệp chia sẻ. Nói rồi ông Tiệp nhẩm tính: nhà ông Khởi 2 người bị tâm thần, nhà Luân, rồi nhà bà Bi… nhà thì một người nhà thì 2 -3 người bị tâm thần. Có người bị tâm thần khi mới lên 9 - 10 tuổi cũng có người đến 50 tuổi tự dưng bị bệnh.

Theo nhiều người dân địa phương, không hiểu sao từ trước tới nay năm nào làng cũng phát hiện thêm người bị bệnh tâm thần. Người dân địa phương lo lắng rồi đồn đoán nhiều câu chuyện đậm chất liêu trai cho rằng, có thể người bị bệnh này chết rồi họ lại về truyền bệnh lại cho người khác. Bệnh tâm thần trong tâm tưởng nhiều người nó giống như một con ma. “Nhà ông Dương cả 3 thế hệ gần đây đều có người tâm thần. Đầu tiên là ông nội, ông ấy bị tâm thần đi lang thang rồi rơi xuống suối chết, tiếp đến là người con dâu, bây giờ thì đứa cháu mới 20 tuổi bị tâm thần đã 5-6 năm nay rồi. Cứ người này truyền cho người kia chứ con ma tâm thần nó có chịu chết đâu”, bà Mến, một người dân thôn Mu nói.

Theo chân ông Tiệp, chúng tôi đến thăm một số gia đình có người thân bị tâm thần. Vật dụng không thể thiếu trong những gia đình này là một sợi xích dài khoảng 3m được cột bên một góc nhà sàn, hoặc giữa cột nhà. Thậm chí đến bữa ăn nhiều gia đình còn không tháo xích mà bưng cho người bệnh một bát cơm bỏ thức ăn vào cho ngồi ăn ở một góc riêng. Không có tiền mua xích, một số người dân còn dùng gỗ đóng một cái cũi để nhốt con mỗi khi đi làm. “Sợ lắm rồi chú à. Thả ra nó đi lạc còn tìm được chứ nhiều hôm nó còn xách dao đuổi vợ chồng tôi chạy khắp xóm, biết xiềng như vậy là tội con, vợ chồng tôi cũng đau lòng lắm”, bà Thắm, một người dân có con bị tâm thần cho biết.

Đắng lòng vụ án mạng do thiếu hiểu biết cách quản lý người tâm thần

Thay vì đưa người thân của mình đi bệnh viện, không ít người còn mê muội đến mức thuê thầy mo về làm lễ giải hạn. “Cái đất này ngày trước chiến tranh ác liệt lắm. Người chết nhiều vô kể. Sau này người dân kéo đến làng này ở mồ mả nhiều lắm, chắc người dân làm gì phật lòng người đã khuất, làm phật lòng con ma rừng nên mới bị trừng phạt đến bị điên như vậy”, ông Khiêng, một người dân địa phương nói.

Do thiếu hiểu biết về bệnh tâm thần và cách quản lý người bệnh mà không ít câu chuyện đau lòng đã xảy ra trong thời gian vừa qua ở thôn Mu. Người thì xiềng xích, người thì nhốt người bệnh vào cũi khiến họ đã bị bệnh lại thêm phần ức chế. Đến khi cơn bệnh lắng xuống, trong mắt người bệnh, những người thân xung quanh mình giống như kẻ thù. Không ít lần người dân địa phương bàng hoàng chứng kiến cảnh người bị tâm thần xách dao đuổi người thân của mình chạy khắp làng. Không ít người đã bị người tâm thần đánh đến trọng thương. Đau lòng hơn có người đã bị đứa con bị bệnh tâm thần xách dao chém chết ngay tại nhà sau khi được tháo xích.

Ám ảnh làng tâm thần ở Hòa Bình - 2

Cảnh hoạt động hằng ngày của người dân thôn Mu.

Kể lại sự việc đau lòng, ông Tiệp ngậm ngùi: “Cũng vì thiếu hiểu biết. Vì nghèo nên mới như vậy”. Theo ông Tiệp, nạn nhân trong vụ án mạng đau lòng đó là ông Bùi Văn Khởi (SN 1953) trú tại thôn Mu. Theo đó, khoảng 13h20 chiều 21/7, khi đang ngồi hóng gió ở cầu thang nhà sàn, bất ngờ ông Khởi bị cậu con trai đang bị tâm thần là Bùi Văn Xiền (SN 1989) dùng dao chém liên tiếp vào người. Khi mọi người nghe tiếng kêu thất thanh chạy đến, ông Khởi đã nằm bất động trên vũng máu. Do chịu quá nhiều vết chém, mất máu nhiều, ông Khởi đã tử vong ngay sau đó.

Theo hồ sơ điều tra tại Công an xã Yên Nghiệp, anh Bùi Văn Xiền bị bệnh tâm thần từ 4 năm nay. Mỗi lúc Xiền lên cơn, gia đình lại dùng xích để xích chân Xiền lại bên cột nhà. Do thấy Xiền có dấu hiệu bình thường, thương con nên ông Khởi mở xích cho con. Vừa mở xong xích, đang ngồi hóng gió thì Xiền vào nhà xách dao và gây ra cái chết đau lòng cho ông Khởi. “Khi chúng tôi đến nơi, ông Khởi đã tử vong. Cậu con trai bị người dân xích lại bên góc nhà, cậu ấy vẫn thở hổn hển, mắt trừng lên nhìn bố mình nằm bê bết trên vũng máu”, vị trưởng công an xã nhớ lại.

Nhận định về vụ việc, ông Tiệp chia sẻ: “Có thể do Xiền ức chế trước việc bị bố xiềng suốt ngày, đã thế mỗi lúc đi làm về ông còn thường xuyên quát mắng, chửi bới, hắt hủi Xiền nên mới xảy ra vụ việc đau lòng như vậy”.

Tìm đến nhà anh Bùi Văn Xiền, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Trong căn nhà nhỏ người phụ nữ đang ngồi tựa bên cột nhà cười khanh khách. Dưới chân là sợi dây xích. “Bà ấy là mẹ Xiền, cả hai mẹ con đều bị tâm thần nên phải xiềng lại như vậy. Không xiềng 2 mẹ con đi hai đường không thể quản nổi. Cũng tội cho ông Khởi vì ông không còn cách nào khác. Khi chúng tôi đặt câu hỏi tại sao không đưa người thân của mình đi chữa bệnh, một người bác họ của Xiền chia sẻ: “Nghèo quá chú à. Một phần không có tiền, phần cũng vì hủ tục cúng bái. Cúng mãi mà cũng không khỏi bệnh”. Ngay sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Lạc Sơn đã tiến hành bắt giữ Xiền.

Đi tìm lời giải

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Bùi Văn Nin - Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp - cho biết số lượng người có triệu chứng thần kinh không bình thường ngày một nhiều. Hầu hết mọi người đều tự chăm sóc người thân ở nhà. “Chúng tôi đến vận động đưa đi bệnh viện điều trị nhưng họ bảo không có tiền, xã kinh phí cũng eo hẹp nên không biết làm gì hơn”- ông nói.

Về việc nhiều người cho rằng căn bệnh tâm thần là do ma ám, ông Nin nói: “Các cơ quan chính quyền xã đã nhiều lần tuyên truyền. Tuy nhiên, một số người mê tín rồi đồn đoán lung tung, không hề có chuyện ma quỷ gây nên căn bệnh điên hay tâm thần trên địa bàn”.

Cũng theo ông Nin có thể do đời sống ngày càng có nhiều áp lực là nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh. Bên cạnh đó một số gia đình có thế hệ trước bị bệnh tâm thần nên có thể do di truyền mà thế hệ sau ít nhiều có ảnh hưởng.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với từng gia đình thay đổi cách quản lý, tránh gây cho người bệnh bị hoang mang, ức chế. Đồng thời xã cũng mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc hỗ trợ xã trong việc điều trị, quản lý người tâm thần”, ông Nin khẩn thiết nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Phương (Dân Việt/Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN